HÔN NHÂN

Hàng loạt người trẻ hôm nay đứng trước đắn đo, có nên bước vào một hôn nhân thật sự hay nên sống với nhau một cách lỏng lẻo. Về phía nhà nước, họ muốn coi việc chung sống không cưới hoặc đồng phái ngang như những cặp hôn nhân khác phái. Câu hỏi đặt ra : Tại sao hôn nhân là hình thức duy nhất có thể chấp nhận được trong việc sống chung ?

Thứ nhất, là vì chỉ có sự chung thuỷ là chỗ đích thực vững chắc hợp với phẩm giá của cuộc chung sống giữa hai con người. Và hôn nhân không phải là cái gì chỉ liên hệ tới trách nhiệm giữa hai người mà thôi, mà nó còn liên hệ tới cả tương lai con cái sẽ sinh ra nữa. Như vậy, hôn nhân không bao giờ đơn thuần là một chuyện riêng tư, nhưng nó mang tính chất công cộng và xã hội. Hôn nhân quyết định dạng thái tổ chức nền tảng của xã hội.

Rốt cuộc ta cũng thấy được điều đó, nếu như giờ đây các cặp không cưới cũng có được những khung pháp lí nào đó. Dù đây chỉ được coi là những hình thức kết hợp thấp hơn hôn nhân thường, chúng cũng không thể thoát ra khỏi trách nhiệm công, không thể thoát ra khỏi liên hệ chung của xã hội. Và chỉ mỗi điều đó thôi cũng buộc phải có cho chúng một quy chế pháp lí kéo theo quy chế xã hội và công cộng, ngay cả khi người ta giờ đây tin rằng mình phải chấp nhận những bậc sống thấp hơn đó.

Thứ hai : Ta thấy ở đâu hai người sống cho nhau và sinh con đẻ cái, ở đó cũng có giao tiếp với sự thánh và với mầu nhiệm làm người, là những thứ vượt lên những gì ta tự có. Tôi không đơn giản chỉ là tôi mà thôi. Trong mỗi con người có một bí ẩn thần thánh. Vì thế, việc sống chung giữa người nam và người nữ cũng được đưa vào vòng tôn giáo, vào vòng thánh thiêng, vào trách nhiệm trước Thiên Chúa. Việc sống chung đó cần có trách nhiệm với Chúa – và chính vì thế mà, qua bí tích hôn nhân, nó nhận được cội nguồn sâu xa và đích thực cũng như lí do hiện hữu của nó.

Tất cả những lối sống chung khác, vì thế, chỉ là hình thức tạm, mà mục tiêu cuối cùng của chúng chỉ là tìm cách trốn trách nhiệm đối với nhau và để thoát ra khỏi vòng bí ẩn của kiếp người – và như thế chúng mang vào xã hội một sự bất ổn với những hậu quả khó lường.

Vấn đề sống chung giữa những người đồng phái lại hoàn toàn khác. Tôi nghĩ, nếu người ta quan niệm hôn nhân và gia đình không nhất thiết gồm một nam một nữ nữa, mà cũng là của hai người đồng phái, thì cấu trúc xây dựng nền tảng cuộc sống con người như thế đã bị tổn thương. Như vậy, về lâu về dài, xã hội sẽ rơi vào những vấn đề lớn. Nếu ta lắng nghe lời Chúa, ta sẽ thấy ra rằng việc sống chung vợ chồng và con cái là một cái gì thánh thiêng. Và xã hội sẽ đạt tới một hình thức đúng đắn, khi nó coi gia đình – hình thái sống chung được Chúa chúc phúc – là hình thái đúng đắn của trật tự phái tính.

Đây là công thức của hôn nhân : “Anh /em nhận em/anh làm vợ /chồng và hứa chung thuỷ khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh cũng như lúc mạnh khoẻ. Anh /em muốn yêu em /anh và tôn trọng em /anh mọi ngày suốt đời “. Nghe thật hay, nhưng tại sao hôn nhân lại phải kéo dài suốt đời “ cho đến khi sự chết chia lìa “ ?

Vì nó nằm nơi sự dứt khoát của tình yêu con người và sự rốt ráo của trách nhiệm mà ta bước vào. Chúng ta không nên tìm cách chi li lí luận chứng minh điều đó. Khôn ngoan con người đã chứng thực cho ta điều đó và chính lời Chúa cũng đã nói như vậy. Điều đó chỉ phù hợp hoàn toàn với phẩm giá con người, khi tôi hoàn toàn cho mình đi, mà không giữ lại một phần nào cho mình và có thể nói không hề xét lại hay đòi bỏ hợp đồng. Cuộc sống con người không phải là cuộc thí nghiệm. Đó không phải là hợp đồng thuê nhà. Nhưng là sự trao tặng cái tôi cho em /anh. Và sự trao tặng giữa người với người chỉ có thể phù hợp với bản chất người qua hình thức một tình yêu toàn vẹn và cho nhau tất cả.

Ta đã nói nhiều về tính dục, rõ ràng Giáo Hội đoán có một cái gì rất bí ẩn trong tính dục. Nhưng không hiểu tại sao Giáo Hội lại có những quan điểm khắt khe về nó, ngay cả trong hôn nhân. Có phải vì có một quan niệm khác về cuộc sống và về con người, nên Giáo Hội mới cấm ngừa thai ?

Thật ra, Giáo Hội xem tính dục là một thực tế trung tâm của tạo vật. Tính dục đưa con người tới thật gần đấng tạo hoá và đặt nó trước một trách nhiệm cao nhất. Qua tính dục, con người dự phần vào chính nguồn sự sống một cách có trách nhiệm. Mỗi một con người là một tạo vật của Chúa – và đồng thời cũng là một đứa con của cha mẹ nó. Do đó mà giữa sự sáng tạo của Chúa và sự sinh sôi của con người như có một hoà quyện vào nhau. Tính dục là một cái gì dữ dội ; ta cũng nhận ra điểm này qua mối liên quan tới trách nhiệm đối với một sự sống mới, sự sống này thuộc về ta mà cũng không thuộc ta, nó do ta làm nên mà cũng chẳng phải do ta mà có. Từ đó, mà tôi nghĩ rằng, tính dục đồng thời cũng là một cái gì linh thiêng, ở chỗ nó được phép tạo ra một sự sống và mang trách nhiệm cả đối với những gì vượt trên cội nguồn sinh vật của sự sống đó. Từ những lí do muôn mặt đó, Giáo Hội cũng phải triển khai những gì nói trên và đã được đề cập một cách nền tảng trong mười giới răn. Giáo Hội phải luôn đưa nó vào cuộc sống con người như là trách nhiệm.

Có thể vừa sống trái với giáo huấn tính dục của Giáo Hội mà cũng vừa là một tín hữu tốt ?

Chuyện sống không theo kịp nội dung lời Chúa đã được Giáo Hội diễn giải, lại là một vấn đề khác. Tuy nhiên, nếu người ta vẫn tiếp tục ở lại trên đường, nếu người ta chấp nhận sự linh thiêng của việc đồng tạo dựng với Đức Ki-tô, thì họ vẫn không mất tính cách công giáo, dù có gặp thất bại. Khi đang trên đường đi tìm thì người ta, nếu muốn nói như thế, vẫn là một “ tín hữu tốt “.

Các giám mục ở Í kêu gọi tín hữu can đảm hơn trong việc sinh con. Các ngài viết trong thư luân lưu : Một xã hội khiếp sợ sinh con sẽ “ giảm đi tính chất nhân bản”.

Ở đâu không còn tình yêu đối với trẻ con, ở đó quả thật mất mát nhiều lắm. Trước đây, người Í nổi tiếng yêu gia đình và con cái. Ngày nay, có những vùng trong nước Í lại có số sinh thấp nhất trên thế giới. Biến chuyển to lớn đó xảy ra do sự xuất hiện cuộc sống phồn vinh mới. Quả thật, có một cám dỗ lớn trong các xã hội phương tây coi trẻ con là đối thủ, chúng lấy mất tương lai và phần nào không gian sống của mình. Cùng lắm người ta coi đó là vật sở hữu và dùng chúng để khoe mình. Rốt cuộc chẳng ai sẵn sàng công nhận con trẻ với những quyền lợi riêng của chúng, để phải hi sinh thời giờ và cả đời mình cho chúng.

Có lần một giám mục Í nói với tôi, người nghèo đầu tư vào sự sống, kẻ giàu vào sự vật. Tôi không muốn phóng đại ý nghĩa câu nói đó, nhưng rõ ràng trên đất nước ta khuynh hướng lo đầu tư vào sự vật, lo bảo hiểm cho mình bằng giá trị sự vật, có nghĩa là muốn nhân bội cái tôi của mình lên, mạnh hơn việc sẵn sàng phục vụ cho sự sống khác. Sự gia tăng dân số có vấn nạn của nó, nhưng mặt khác, ta cũng phải công nhận rằng, xã hội chúng ta đang đánh mất chính tương lai mình với đà lão hoá.

Vấn đề gia tăng dân số. Người ta tố cáo Giáo Hội vì chủ trương cấm ngừa thai nên đã tạo ra tại một số nơi trong thế giới thứ ba những vấn đề trầm trọng, kể cả việc tạo ra bần cùng nghèo đói.

Quả là chuyện hoàn toàn vô lí. Bần cùng là sản phẩm của việc sụp đổ luân lí. Trước đây, luân lí trong các xã hội bộ lạc và trong các cộng đồng Ki-tô giáo đã giữ cho cuộc sống có trật tự nên đã loại trừ được bất hạnh nghèo đói. Nay trật tự đó mất, và ta đã thấy hậu quả. Đổ lỗi cho Giáo Hội qua việc cấm ngừa thai, là chuyện ngớ ngẩn, chứng tỏ những người đó có cái nhìn hoàn toàn ngược ngạo về thế giới. Tôi sẽ giải thích.

Giáo Hội dạy về sự thánh thiêng và chung thuỷ trong hôn nhân. Đó là tiếng nói đích thực của Giáo Hội. Nơi đâu nghe theo tiếng nói đó, ở đó trẻ con được sống trong môi trường làm quen với yêu thương, tự chế, kỉ luật đời sống, dù chúng phải ở trong tình trạng túng thiếu vật chất. Ở đâu chung thuỷ gia đình còn, ở đó còn kiên nhẫn và quan tâm cho nhau, đó cũng là điều kiện cho việc kế hoạch hoá gia đình một cách tự nhiên và hữu hiệu. Bần cùng không xuất phát từ các đại gia đình, nhưng từ việc sinh con bừa bãi thiếu trách nhiệm, chúng chẳng biết ai là cha hoặc cả ai là mẹ, phải lang thang trên đường phố trong một thế giới bị phá nát tinh thần. Ngoài ra, ai trong chúng ta cũng biết, Phi châu ngày nay với đà gia tăng ghê gớm bệnh liệt kháng từ lâu đã cho thấy một mối nguy ngược lại : Không phải bùng nổ dân số, nhưng là cảnh xoá sạch hàng loạt bộ lạc, và đất đai trở thành hoang địa.

Ngoài ra, khi tôi nghĩ tới cảnh tiền thưởng ở Âu châu cho những nông dân giết bớt súc vật, hủy bớt lúa, nho, trái cây đủ loại vì lí do thặng dư sản xuất, thì tôi tự nhủ, tại sao các ngài chuyên viên quản trị không tìm cách chuyển những thứ đó cho mọi người cùng hưởng, thay vì huỷ của của Trời ban đi như vậy.

Bần cùng không tạo ra bởi những ai dạy cho con người chung thuỷ, yêu thương, kính trọng sự sống và từ bỏ, nhưng nó là sản phẩm của những kẻ miệng bô bô đạo đức và nhìn con người một cách máy móc : Túi cao su ngừa thai xem ra hữu hiệu hơn luân lí đạo đức! Nhưng, nếu ta tin rằng phẩm giá đạo đức con người có thể thay thế bằng túi cao su, để tránh nguy hiểm cho tự do của họ, thì như thế là ta đã lột hết phẩm giá con người từ nền tảng, và ta đã tạo cái mà mình muốn ngăn ngừa: một xã hội ích kỉ, trong đó mỗi người đều có quyền hưởng mọi thứ theo í mình và chẳng còn ai mang trách nhiệm. Bần cùng đến từ tuột dốc đạo đức xã hội, chứ không phải ngược lại – và việc quảng cáo túi cao su là một phần quan trọng của việc tuột dốc đó, nó nói lên chiều hướng khinh miệt con người, chẳng còn tin vào cái thiện mĩ nơi con người.